Mỗi vùng miền có nguồn thực phẩm và thói quen ăn uống đặc trưng khác nhau. Cơ thể chúng ta cùng khả năng tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất ở mỗi người mỗi khác. Chính vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt thể hiện rõ ràng ở mỗi vùng lãnh thổ. Đó là lý do mỗi quốc gia đều cố gắng xây dựng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của riêng của mình. Người Việt Nam cũng vậy.
Tại sao cần bổ sung Acid folic?
Axit folic – dạng folate nhân tạo (còn gọi là Vitamin B9) là dưỡng chất mà mọi người đều cần cung cấp đủ hàng ngày. Axit folic/folate giúp cơ thể tạo ra tế bào hồng cầu mới khỏe mạnh. Các tế bào hồng cầu mang oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể để duy trì sự sống. Nếu không tạo đủ hồng cầu sẽ dẫn tới thiếu máu với các biểu hiện điển hình là xanh xao, mệt mỏi, yếu ớt cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Acid folic đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trước và trong khi mang thai, giúp bảo vệ thai nhi chống lại dị tật ống thần kinh, ngăn ngừa sảy thai và các dị tật bẩm sinh khác. Các nghiên cứu cho thấy, nếu không nhận đủ axit folic trước và trong khi mang thai, em bé sẽ có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh cao hơn. Bổ sung đủ 400mcg acid folic/ngày từ trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu giúp giảm 70% tỷ lệ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ.
Khiếm khuyết ống thần kinh (nứt đốt sống, thiếu một phần não hoặc không có não, thoát vị não, não úng thủy…) là dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến cột sống, tủy sống hoặc não bộ và có thể gây tử vong cho trẻ.
Dị tật ống thần kinh này xảy ra trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ (trong vòng 27 ngày từ khi trứng được thụ tinh), thường là trước khi người phụ nữ biết mình có thai. Khoảng một nửa phụ nữ mang thai mà không có kế hoạch trước. Vì vây, để phòng ngừa dị tật ống thần kinh các chuyên gia khuyên tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (kể cả khi chưa có kế hoach mang thai) nên bổ sung đủ axit folic mỗi ngày.
Bổ sung acid folic bằng cách nào?
Thông qua các loại thực phẩm: Folate được tìm thấy trong một số thực phẩm tự nhiên như:
- Gan động vật, bầu dục, gia cầm, thịt
- Các loại rau: Rau chân vịt, măng tây, cản xoăn và các loại rau lá xanh đậm khác
- Các loại hạt: đậu, đỗ, lạc…
- Các loại ngũ cốc, quả hạch
- Hoa quả: dâu tây, cam, dưa hấu, lê…
Chỉ bổ sung acid folic từ thực phẩm có đủ không?
Mặc dù có khá nhiều trong thực phẩm tuy nhiên phụ nữ mang thai rất khó có thể cung cấp đủ acid folic nếu chỉ bổ sung từ thức ăn hàng ngày bởi hai lý do chính sau:
- Cơ thể chúng ta hấp thu folate từ thực phẩm khó hơn dạng acid folic tổng hợp. Giá trị dinh dưỡng tối đa của folate trong thực phẩm chỉ bằng 50% giá trị dinh dưỡng của acid folic dạng uống bổ sung.
- Folate trong thực phẩm không bền, rất nhạy cảm với sự phân hủy của nhiệt độ, tia cực tím hoặc chất oxy hóa. Trong quá trình nấu ăn, tỷ lệ mất có thể từ 50-90%, có khi là 100% khi nấu ở nhiệt độ cao và nhiều nước.
Có khi nào bổ sung thừa acid folic không?
Tất nhiên là Có. Bạn không thể nhận quá nhiều folate từ thực phẩm tự nhiên nhưng bạn có thể nhận được nhiều acid folic hơn nhu cầu khi bổ sung liều cao từ các sản phẩm nhân tạo như vitamin tổng hợp và thực phẩm bổ sung tăng cường acid folic.
Lưu ý: 800mcg acid folic/ngày là giới hạn tiêu thụ tối đa (bao gồm từ thức ăn và thuốc bổ sung), trong khi đó nhu cầu thông thường hàng ngày chỉ 400-600mcg là đủ. Vì vậy, để an toàn nên tính toán hàm lượng acid folic thu được trong khoảng 400-600mcg/ngày mà thôi.
Với các trường hợp đặc biệt cần bổ sung liều cao thì cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ thăm khám trực tiếp.